Thị trường vi xử lý điện năng thấp cho máy tính để bàn và máy tính xách tay đều bị Intel chiếm giữ với những sản phẩm Core 2/Core i ULV hay các con chip ATOM giá rẻ. Trong tình hình đó, AMD buộc phải đưa ra những bước đi chiến lược nhằm giành lại thị phần của mình. Cái khó ló cái khôn, AMD đã giới thiệu nền tảng Fusion kết hợp giữa CPU và GPU mà công ty này gọi là APU nhằm cạnh tranh với con Intel về cả năng lực tính toán, năng lực đồ họa và mức tiêu thụ năng lượng. Nhưng liệu món cooktail mà AMD dày công xây dựng có thật sự ngon hơn là những gì mà Intel đang bán hay nó chỉ là 1 mớ những kết hợp thiếu hoàn thiện? Chúng ta hãy cùng tìm câu trả lời trong bài viết này.
Bo mạch rất nhỏ, so kích thước với 1 chiếc điện thoại
Phiên bản vi xử lý mà AMD mang qua chính là E-350 kết hợp cùng chip đồ họa tích hợp Radeon 6310, bộ đôi đã quá quen thuộc trên những máy tính xách tay trong tầm giá 10-12 triệu như của Acer hay Sony VAIO Y. Điểm đặc biệt của con chip E-350 trên nền tảng Brazos của AMD lần này lại đến từ cách đóng gói sản phẩm. Fusion APU của hãng được gắn chung với bo mạch chủ E350IA-E45 của MSI cực kỳ nhỏ gọn theo kích cỡ mini ITX với giá khoảng 133,99$ (thị trường Mỹ). Với cách đóng gói này, chỉ cần trang bị thêm ổ cứng, RAM và bộ nguồn nữa là bạn đã có thể lắp được một HTPC hoàn chỉnh. Đây cũng là 1 phần của nội dung trong bài đánh giá hôm nay.
Cấu hình đánh giá:
- Bo mạch chủ: MSI E350IA-E45, 2 khe cắm RAM DDR3, 1 khe PCI Express x16, 4 cổng SATA 6Gbps, 2 cổng USB 3.0 với chipset của NEC, 6 cổng USB 2.0, PS/2, HDMI, VGA, LAN, audio.... Lưu ý là bo mạch chủ này chưa hỗ trợ Wi-Fi nên bạn phải mua thêm.
- CPU: AMD E350 2 nhân 1,6GHz, chip Bobcat trên nền tảng Brazos (viết cho đủ chứ bạn cũng chẳng cần nhớ mấy cái tên phức tạp này!).
- GPU: Chip AMD Radeon 6310 tích hợp, 80 bộ xử lý dòng, xung nhịp 500MHz. Không sử dụng RAM rời mà chia sẻ với RAM hệ thống, hỗ trợ Direct X11.
- RAM: GEIL DDR3 12800 1600MHz Black Dragon 2x2GB, CL 9-9-9-28. Tối đa thì Fusion nhận được bus 1333 (bị declock xuống 1066) nên sử dụng RAM 1600 là hơi bất lợi do CAS cao nhưng vì bench hàng loạt máy khác nhau nên chúng ta đành chấp nhận.
- Ổ cứng: WD Caviar Blue 500GB 7200 vòng.
Tuy nhỏ nhưng có tới 8 tổng USB, 2 USB 3.0, khe PCI E, 2 RAM

Các cổng giao tiếp khá đầy đủ
Định vị sản phẩm:
Hiện nay trên thị trường thì Intel đang “kẹp” 2 đầu Fusion với ATOM dưới đáy và các dòng Core i ULV/Pentium D (laptop) hoặc Pentium D (máy bàn) phía trên. Chúng ta hãy tạm thời bỏ qua dòng máy tính xách tay mà chỉ nhấn mạnh đến máy tính để bàn mà thôi. Mục tiêu của AMD là đàn áp ATOM về sức mạnh để đạt hiệu năng gần bằng Pentium D trong khi mức độ tiêu thụ năng lượng thì lại xuất sắc hơn cả 2.
Thật ra thì đối thủ nặng ký nhất của Fusion APU không phải là Intel ATOM yếu ớt sử dụng GPU dành cho điện thoại mà chính là nền tảng ION của nVidia với việc kết hợp CPU ATOM và GPU của hãng. Tuy nhiên, Intel đã tự đá bay nVidia khỏi cuộc chơi khi cấm hãng thứ 3 chế tạo chipset cho CPU của hãng kể từ Core 2 trở đi.
Fusion là cái gì?
Fusion là một nền tảng của AMD với mục tiêu kết hợp CPU và GPU vào một. Cụm CPU + GPU này AMD gọi mà APU cho ngắn gọn và nó có diện tích đế vào khoảng 75mm2, khá là nhỏ. Tuy nhiên, để tạo thành 1 Fusion hoàn chỉnh thì APU buộc phải kết hợp với 1 fusion controller hub tên gọi Hudson chịu trách nhiệm điều khiển SATA, USB... APU đã nhỏ thì Hudson còn nhỏ hơn khi chiếm diện tích khoảng 28mm. Trong hình dưới đây thì bạn có thể thấy Hudson là cục nhỏ nhỏ cạnh APN và được AMD trang bị các lá kim loại tản nhiệt thụ động thay cho tản nhiệt quạt như trên APU. Bạn có thể tìm hiểu về Fusion trong video dưới đây.
So kích thước die APU với cây bút
APU và Hudson
Sức mạnh xử lý
Đây là các điểm đánh giá sức mạnh xử lý của E-350:

Điểm Cinebench R10 thử năng lực CPU đơn nhân đạt 1152 và đa nhân là 2175. Các con số này nhanh hơn ATOM D510 2 nhân lần lượt khoảng 50% và 10%.

Điểm Cinebench R11.5

PC Mark Vantage cho toàn hệ thống, điểm số PC Mark thưởng sử dụng các bài test mang tính thực tế hơn các chương trình benchmark khác nên có giá trị tham khảo khá cao. Bài test SYSMark không được thực hiện vì nó ép CPU lên tối đa trong khi ít người dùng Fusion cho mục đích đó. Các kết quả cho thấy điểm tổng thể của Fusion APN cao hơn ATOM D510 khoảng 25%.và gần 20% với các chip trên nền ION của nVidia.

Điểm Windows Experience Index (WEI) đánh giá CPU 3,8 điểm. Điểm số tương ứng của D510 khoảng 3,4 điểm.
Sức mạnh đồ họa:

Windows Experience Index đánh giá khá cao nhưng kết quả của nó chẳng ai công nhận vì WEI hơi “ngu” và thiếu thực tế

Thử benchmark bằng Street Fighter thì đạt rank E, tức là không thể chơi được.

Thử game FarCry kết quả E350 đạt được giao động trong khoảng 11 fps ở bài test 1 và 15fps trong bài thứ 2.

Kết quả ổ cứng, kết quả này cũng chỉ tham khảo vì CPU không ảnh hưởng nhiều đến nó

Thử với FurMark
Thật ra thì GPU của E-350 không hề yếu so với các con chip đồ họa tích hợp PowerSGX vốn chỉ dùng trên di động của ATOM nhưng nó vẫn không đủ cho chúng ta chơi các game lớn. Hơn nữa, con chip 6310 vẫn chưa đạt được đến mức chia sẽ chung cache tốc độ cao với CPU mà chỉ dùng RAM hệ thống nên gặp điểm yếu là băng thông khá thấp. Nói cho dễ hiểu thì APU hiện tại giống như 2 con chip riêng lẻ gắn chung 1 die, AMD sẽ khắc phục điều này trong các thế hệ sau này.
So với cái IGP tích hợp trên Sandy Bridge mới nhất của Intel với 12 EU thì Fusion yếu hơn trong hầu hết các trường hợp. Tuy nhiên, Fusion lại có mức giá quá hấp dẫn so với tổng chi phí tối thiểu khoảng 400$ cho 1 bộ mainboard + CPU Core i3 của Intel.
Thực tế thì hầu hết các game yêu cầu phần cứng trung bình như WoW, BioShock 2, Modern Warface 2 hay StarCraft II đều có thể chạy trên Fusion với các thiết lập đồ họa ở mức thấp. Dù vậy, Fusion gặp hiện tượng thắt cổ chai CPU ở một số game yêu cầu năng lực xử lý cao như Civilization 5 hay Metro 2033. Do vậy mà nếu gượng ép trang bị 1 GPU gắn ngoài mạnh mẽ thì bạn cũng chẳng thể chơi được các game cao cấp. Đây chính là lý do để cổng PCI Express trên mainboard chỉ hỗ trợ tốc độ 4x chứ không phải 16x.
Nền tảng hoàn hảo cho HTPC?
Một trong những lý do làm cho ATOM thất bại và không sử dụng trên các HTPC chính là năng lực dựng hình quá yếu kém của nó. AMD đã rút được kinh nghiệm đó và trang bị engine UVD3 cho Fusion nhằm giúp các container H.264. VC-1 và MPEG-2 được tăng tốc giải mã bằng phần cứng. Khả năng tăng tốc H.264 của ATOM chỉ xuất hiện trên nền tảng Cedar Trail của Intel vào cuối năm nay nên Fusion vẫn làm mưa làm gió trong một thời gian dài nữa.
Một ưu điểm khác của Fusion là nó hỗ trợ âm thanh TrueHD và DTS-HD MA khi xuất tín hiệu qua cổng HDMI, một tính năng mà Atom chưa hề được mơ thấy. Thử nghiệm xem video full HD mkv bình thường 30fps thì E-350 hoạt động mượt mà và gần như không bị khựng trong suốt quá trình thử nghiệm. Tuy nhiên, một số báo cáo cho thấy các file 1080p60 máy hơi đơ và không thể xử lý nổi các file HD Real Video đi kèm với âm thanh FLAC. Đây ra là những giới hạn của CPU và khó lòng được khác phục với chip đồ họa. Dù vậy, với những ưu thế không thể phủ nhận đã nhắc đến ở trên được thì Fusion đáp ứng quá đầy đủ nhu cầu của người dùng trung cấp. Người dùng cao cấp chắc chắn phải tìm đến các giải pháp cao cấp hơn hỗ trợ Bluray 3D.
Nhiệt độ và khả năng tiêu thụ năng lượng:
AMD cho biết mức tiêu thụ năng lượng của Fusion là khoảng 18W và khoảng 3W khi không tải. Các thử nghiệm từ một số trang web nước ngoài cho thấy Fusion chỉ tốn 85% năng lượng khi chạy đầy tải so với D510 trong khi hiệu năng cao hơn và diện tích đế lại nhỏ hơn! Về nhiệt độ, chạy full tải với tản nhiệt gốc cho nhiệt độ tối đa dao động khoảng 60 độ C.
Kết luận:
Với những gì đã thể hiện, Fusion là một nền tảng rất, rất tốt của AMD trong cuộc đua với Intel trên mặt trận cấp thấp. Dù ở thời điểm này đã quá muộn nhưng Intel vẫn chưa đưa ra 1 giải pháp thật hoàn chỉnh để cạnh tranh với AMD. Tuy vậy, nếu nhu cầu của bạn cao hơn thì các dòng Pentium D của Intel là một lựa chọn không tồi vì chúng mang tính mở, không đóng như Fusion.
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét